Tiền Ảo Có Được Coi Là Tiền Tệ Không?

Tiền Ảo Có Được Coi Là Tiền Tệ Không?

Viết bài: Quy Lee - - Đọc: 211
Tiền ảo có được coi là tiền tệ không
Ngày nay, giao dịch tiền điện tử đã phát triển thành một phạm vi rất lớn và được sử dụng rộng rãi. Hiện có hàng trăm loại tiền ảo trên thị trường.

Vậy tiền ảo có được coi là tiền tệ không ?


Tiền ảo là một biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong các giao dịch kỹ thuật số với chức năng như một phương tiện trao đổi, là một đơn vị tài khoản, một kho lưu trữ giá trị, nhưng không được phát hành và không được đảm bảo bởi luật quốc gia, không được coi là tiền tệ hợp pháp chính thức ở đa số quốc gia trên thế giới, ngoại trừ El Salvador, Cộng hòa Trung Phi và thành phố Lugano (Thụy Sĩ). Các chức năng của tiền ảo vẫn chủ yếu được thực hiện theo ý chí thống nhất của các chủ thể trong cộng đồng sử dụng tiền ảo để giao dịch. Việt Nam và đa số các nước trên thế giới chưa chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Các giao dịch tiền ảo muốn thực hiện được thì cần thông qua một hệ thống nối mạng. Thanh toán và chuyển tiền ảo qua Internet không phải thông qua bất kỳ trung gian hoặc tổ chức tài chính nào. Với các thuộc tính của tiền ảo, nó cũng có những ưu điểm ở một mức độ nhất định.

Trước hết, việc sử dụng tiền ảo trong các giao dịch rất thuận tiện. Vì việc lưu thông tiền ảo không cần thông qua bất kỳ khâu trung gian hay mắt xích nào. Không có giới hạn nào đối với việc sử dụng tiền ảo và việc lưu thông tiền ảo không phụ thuộc vào không gian và thời gian.

Thứ hai, sử dụng tiền ảo là phương thức có độ an toàn và bảo mật. Các giao dịch tiền ảo được thực hiện trong khi không có bất kỳ thông tin cá nhân nào, do đó danh tính của người giao dịch được an toàn.

Thứ ba, tiền ảo không thể bị làm giả vì nó không thực sự tồn tại như một vật thể.

Thứ tư, chi phí giao dịch tiền ảo thấp. Do không có liên kết trung gian nên người giao dịch chỉ cần trả một khoản phí giao dịch nhỏ.

Ưu điểm cuối cùng là tiền ảo không gây ô nhiễm môi trường. Các giao dịch được thực hiện qua Internet và hệ thống máy tính xử lý dữ liệu của tiền ảo, do đó chi phí điện năng thấp.


Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều chấp nhận tiền ảo và nhiều quốc gia nghiêm cấm việc sử dụng các loại tiền ảo để giao dịch do các hạn chế sau:

- Do tiền tệ, vàng bạc là vật thể có thể nhìn thấy, nhận dạng một cách thông thường, còn tiền ảo thì không, cho nên tiền ảo chưa ăn sâu vào tiềm thức của các chủ thể xã hội, nhiều chủ thể chưa biết sử dụng tiền ảo nên chưa có ý định sử dụng tiền ảo trong các giao dịch.

- Việc sử dụng tiền ảo tương đối phức tạp, do phải sử dụng thiết bị công nghệ máy tính nên không phải đối tượng nào cũng sử dụng thành thạo máy tính để có thể dễ dàng thực hiện giao dịch tiền ảo giống như giao dịch tiền tệ thông thường.

- Do tính ẩn danh của các giao dịch tiền ảo có nguy cơ bị lạm dụng: Tội phạm có thể sử dụng tính ẩn danh này để gây thiệt hại cho chủ sở hữu, đồng thời có thể bị lạm dụng để rửa tiền.

Cụ thể, Trung Quốc đã cấm Bitcoin, đánh giá rằng loại tiền ảo này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại Liên bang Nga, Văn phòng Công tố Liên bang đã ban hành quy định cấm sử dụng tiền ảo Bitcoin, cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác. Thái Lan cũng cấm lưu hành và sử dụng Bitcoin sau khi các ngân hàng của Xứ sở Chùa Vàng xác định rằng tiền ảo không phải là một đơn vị tiền tệ có uy tín; do đó việc mua, bán, gửi, thanh toán Bitcoin từ bất kỳ thực thể nào bên ngoài Thái Lan hoặc nhận Bitcoin từ các quốc gia khác đều bị nghiêm cấm.


Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản cấm các tổ chức tín dụng sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự làm tiền tệ, phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chấp nhận tiền ảo làm phương tiện thanh toán (tương đương với coi tiền ảo là tiền tệ) sẽ có tác động đáng kể đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về khối lượng và giá trị của tiền điện tử đặt ra một số thách thức đối với hệ thống tài chính, ngành ngân hàng và việc quản lý chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương: Mục tiêu điều tiết, các biến số kinh tế vĩ mô, lạm phát, cung tiền, lãi suất, tỷ giá hối đoái.. Vì vậy, mặc dù có những quốc gia trên thế giới đã chấp nhận tiền ảo làm phương tiện thanh toán nhưng ở giai đoạn này, trong điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tài chính và nhận thức của người dân còn thiếu, để đảm bảo an ninh tiền tệ và phòng ngừa rủi ro liên quan đến hoạt động tiền ảo, Việt Nam vẫn chưa thể công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.

Tuy nhiên, trong Hiến pháp của nước ta quy định rằng mọi người có quyền tự do kinh doanh ở các ngành nghề không bị pháp luật cấm. Theo Luật đầu tư, về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư thương mại, các chủ thể được phép đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật đầu tư không cấm; các điều khoản trong Luật Đầu tư quy định ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều không liệt kê ngành nghề kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Do đó, hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo không thuộc lĩnh vực bị cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư.


Trên thực tế, hoạt động gây quỹ bằng tiền ảo hay sàn giao dịch tiền ảo vẫn đang diễn ra và các đối tượng vẫn đang sử dụng tiền ảo cho các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư.. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm pháp lý hay các hoạt động, chế tài xử phạt liên quan đến tiền ảo hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ trước pháp luật, cũng không có cơ chế giải quyết thỏa đáng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này. Do vậy mà tiền ảo trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho hoạt động lừa đảo.

Dưới góc độ pháp luật dân sự, tính pháp lý của tiền ảo cũng rất quan trọng. Vấn đề tiền ảo có thể được coi là một quyền tài sản cũng đã được đưa ra. Cụ thể, dựa vào đặc điểm của tiền ảo và tài sản ảo nói chung, có thể thấy đây là những tài sản không có đặc tính vật lý, là tài sản số dưới dạng mã máy tính, có giá trị tiền tệ và có thể chuyển giao được trong các giao dịch dân sự; do đó, quyền tài sản mã hóa (hay tài sản ảo nói chung) là một quyền tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự: Quyền tài sản là quyền tính bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt..

Tuy nhiên ý kiến trên chỉ cho rằng quyền đối với tài sản ảo là quyền tài sản, chưa xác định tiền ảo hay tài sản ảo là loại tài sản nào trong 4 loại tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự (vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản). Ở đây, tiền ảo là đối tượng của quyền tài sản nêu trên, còn bản thân tiền ảo không phải là một quyền.

Quyền là hành vi được phép thực hiện bởi chủ thể. Quyền sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền tài sản là dạng tài sản vô hình nên về mặt lý luận, nếu có hành vi xâm phạm quyền tài sản thì không thể áp dụng biện pháp đòi tài sản để xử lý đối tượng như các vụ án về tài sản khác - những tài sản hữu hình: Vật, tiền, giấy tờ có giá. Các phương pháp có thể được sử dụng khi kiện tụng về quyền tài sản chẳng hạn như kiện để chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tài sản (ví dụ như xâm phạm bản quyền) hoặc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng với tiền ảo, vì tiền ảo thực chất là một thuật toán (chuỗi) dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain), tiền ảo không phải là một dạng hành vi (quyền). Ngoài ra, khi bị mất tiền ảo, đối tượng bị thiệt hại chỉ mong thu hồi được số tiền ảo đó.

Pháp luật dân sự không có quy định nào công nhận tiền ảo là tài sản dẫn đến các hệ quả tiếp theo của quan hệ dân sự như quyền sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay thiệt hại liên quan đến tiền ảo, tạo thành một "lỗ hổng" khá lớn và không có cơ chế giải quyết phù hợp. Chẳng hạn, khi ví điện tử của đối tượng bị hack và bị đánh cắp một lượng tiền ảo thì có lấy lại được không? Trách nhiệm dân sự nào đối với bên mua, bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ trao đổi tiền? Khi có yêu cầu chia thừa kế tiền ảo, liệu việc chia có xảy ra? Hoặc, tiền bồi thường được xác định như thế nào khi một người xâm phạm ví điện tử của người khác?

Thuỳ Chi
 
Top