Quy Định Về Tiền Điện Tử Tại Việt Nam

Quy Định Về Tiền Điện Tử Tại Việt Nam

Viết bài: Quy Lee - - Đọc: 209
Quy định về tiền điện tử tại Việt Nam

Tiền ảo (hay tiền điện tử) phát triển bùng nổ vào những năm gần đây trên Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Cũng chính vì điều này, tiền điện tử trở thành một trong những hạng mục đầu tư được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, các sàn giao dịch tiền ảo ngày càng trở nên phổ biến và thậm chí có thể thu về một khoản tiền đáng kể cho người đầu tư.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển rực rỡ đó, chúng ta cũng cần phải xem xét đến tính pháp lý của tiền ảo, bởi đây là một hạng mục đầu tư "khá" mới ở Việt Nam. Vậy, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam về tiền ảo (tiền điện tử) nhé!

Khái niệm

Trước khi tìm hiểu các sàn giao dịch và đầu tư, bạn nên hiểu rõ về khái niệm tiền ảo. Tiền ảo (Virtual Currency) là một dạng tiền kỹ thuật số được giao dịch trên nền tảng trực tuyến, chúng chỉ tồn tại dưới dạng điện tử, gồm nhiều loại tiền tệ, có loại tiền mã hóa, được kiểm soát bởi các doanh nghiệp tư nhân và chỉ có thường chỉ có giá trị trên một cộng đồng nhất định.

Như đã nói ở trên, tiền ảo không được kiểm soát hay phát hành bởi một ngân hàng trung ương nào mà chỉ do doanh nghiệp (công ty) tư nhân phát triển ra. Tiền ảo được lưu trữ, giao dịch qua các phần mềm và ứng dụng được chỉ định ở dạng kỹ thuật số.



Quy định pháp luật Việt Nam về tiền ảo

- Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo

Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo:

"Thứ nhất, khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

Thứ hai, khẳng định sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng như: Có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp; nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn; hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng tài chính, gây thiệt hại cho người đầu tư; giao dịch Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Thứ ba, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Thứ tư, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ."



- Quy định tại điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015

"1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản."

Căn cứ điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015, tiền điện tử không được coi là tài sản bởi không thuộc cái đối tượng được coi là tài sản.

- Quy định của pháp luật tín dụng – ngân hàng

Luật vẫn quy định, tiền điện tử không phải là một loại tiền và pháp luật cũng không quy định nó là phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

"Điều 6. Phương tiện thanh toán hợp pháp:

Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác."

Như vậy, tiền điện tử không thuộc đối tượng phương tiện thanh toán theo luật định.

- Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Quyết định này, việc hoàn thiện khung pháp lý này phải dựa trên ba cơ sở:

"(i) Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra;

(ii) Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;

(iii) Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.

Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý này hướng tới ba mục tiêu:

(i) Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật;

(ii) Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử."

Như vậy, Quyết định này chính là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo trong tương lai tại Việt Nam. Ở tầm chính sách, điều đó thể hiện sự cần thiết, cấp bách của việc xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam.

Giao dịch, đầu tư tiền điện tử có bị cấm tại Việt Nam không?



Căn cứ theo những cơ sở pháp lý được nêu ở mục trên, tiền điện tử không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận nhưng cũng không cấm. Tức là tuy tiền điện tử không thuộc sự bảo hộ trong pháp luật Việt Nam nhưng cũng không hề vi phạm pháp luật nếu đầu tư, mua bán, giao dịch tiền điện tử. Mà các văn bản quy phạm pháp luật đưa ra chỉ cấm các hành vi lừa đảo, chống rửa tiền và cảnh báo về rủi ro pháp lý của tiền điện tử. Song, bên cạnh những quy phạm đó, cũng cho thấy sự quan tâm của nhà nước về lĩnh vực này, cũng cho thấy tiềm năng phát triển rực rỡ của nó.

Như vậy, chốt lại giao dịch, đầu tư tiền ảo không phải vi phạm pháp luật nhưng tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cùng với đó. Song, nếu như bạn có nhu cầu đầu tư tiền ảo - lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này, hãy chọn sàn giao dịch uy tín và có tính minh bạch.

Và trên đây là bài viết liên quan tới quy định về tiền điện tử tại Việt Nam. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn và chúc bạn thành công!
 
Top